Dựng 'đê nilon' ngăn chuột, cứu lúa
08:41 - 23/08/2022
“Đê" được dựng lên bởi hệ thống hàng rào nilon dày có chân ngăn bằng tôn đã chặn được dòng “lũ chuột" đang di cư phá hại lúa vụ hè thu ở Quảng Bình.

Trên cánh đồng lúa hè thu đang bắt đầu cúi xanh dưới cái nắng gay gắt, có những khoảng rộng màu vàng úa. Ông Lê Văn Thái ở thôn Đông Thành, xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) giọng buồn: “Những khoảng đó là lúa đã bị chuột cắn phá hết đó. Năm nay, chuột về dữ lắm”.

Lúa trên đồng Lệ Thủy bị chuột cắn phá.

Lúa trên đồng Lệ Thủy bị chuột cắn phá.

Mỗi ngày chi hơn 3 triệu đồng đối phó với chuột

Vụ hè thu 2022, gia đình ông Lê Văn Thái có 5 mẫu ruộng (2,5ha), hiện đang vào kỳ chín tới. Năm nay, ông sử dụng giống lúa LHT 31 nên lúa cao cây, bông dài, hứa hẹn vụ mùa bội thu.

Những thửa ruộng bị chuột phá mất trắng ở Đông Thành.

Những thửa ruộng bị chuột phá mất trắng ở Đông Thành.

Thế nhưng hơn một tuần nay, chuột di cư kéo từng đàn vài ngàn con, đêm đêm tràn vào ruộng cắn phá lúa. “Chúng chỉ ôm bụi lúa rồi cắn ngang thân đứt rời chứ không ăn hạt thóc. Cả sào ruộng chỉ trong một đêm đã bị chúng cắn phá sạch”, ông Thái buồn bã nói.

Dựng tuyến 'đê ngăn chuột' trên cánh đồng Thống Nhất.

Dựng tuyến “đê ngăn chuột" trên cánh đồng Thống Nhất.

Để ngăn chặn "giặc chuột", ông Thái bỏ tiền mua nilon về ngăn bao diện tích lúa, dùng gần ngàn bẫy kẹp rải hằng đêm trên ruộng để đánh chuột. Không xuể, ông thuê thêm 6 người, mỗi người có thêm trên 100 bẫy kẹp đi thả khắp bờ, ruộng… Riêng tiền công thuê người đi đánh bẫy là 3 triệu đồng mỗi ngày. Khoảng 20 ngày nữa đến lúc thu hoạch, vị chi hết 60 triệu đồng. Đó là chưa kể huy động hết người trong gia đình suốt ngày đêm ra đồng đánh bẫy chuột”, ông Thái nói thêm.

Đường giao thông nội đồng cũng tạm ngăn để chặn chuột di cư.

Đường giao thông nội đồng cũng tạm ngăn để chặn chuột di cư.

Theo ông Hoàng Văn Dũng, Giám đốc HTX Đông Thanh, vụ hè thu năm nay, bà con trong HTX gieo cấy được 60ha. Một số diện tích còn lại bà con để làm lúa tái sinh. “Hiện đã có trên 6ha lúa đã bị chuột phá nặng, có thể mất trắng. Diện tích còn lại cũng bị ảnh hưởng từ 20 - 30%.

Hàng rào ngăn chuột băng qua cả mương nước.

Hàng rào ngăn chuột băng qua cả mương nước.

Chúng tôi đã vận động bà con dùng bẫy, dùng hàng rào bao quanh diện tích… Tuy nhiên, do diện tích lúa tái sinh quá lớn, bao quanh diện tích lúa hè thu nên hiệu quả ngăn chặn chuột phá lúa không cao. Nguy cơ mất mùa do chuột là có thể xảy ra”, ông Dũng cho hay.

Ma trận hàng rào nilon

Trên cánh đồng lớn của HTX Thống Nhất (xã An Ninh, huyện Quảng Ninh), lúa chín đều tăm tắp. Quanh các vùng ruộng là hệ thống hàng rào bằng nilon trắng ngời lên trong nắng.

Vùng ruộng ở đây rộng trên 220ha, lúa đang chín và diện tích lúa bị chuột phá không đáng kể. Anh Hoàng Hải Đàn, Giám đốc HTX Thống Nhất cho hay: “Để giữ được lúa như vậy, chúng tôi đã phải đầu tư tới khoảng 150 triệu đồng để dựng "tuyến đê chống chuột" di cư về. Hàng năm, vào dịp này, chuột di cư đi như lũ về trên những vùng lúa đang vào chín để cán phá. Vì vậy, chúng tôi đã chủ động lên kế hoạch dựng “đê” ngăn “lũ chuột" để cứu lúa”.

Cổng chính vào các cánh đồng được ngăn bằng tôn, đóng mở khi người, phương tiện qua lại bởi người trực.

Cổng chính vào các cánh đồng được ngăn bằng tôn, đóng mở khi người, phương tiện qua lại bởi người trực.

Tuyến “đê” theo như anh Đàn ví có tổng chiều dài gần 17km, bao quanh toàn bộ diện tích lúa trên đồng. Các vùng lúa được cách nhau qua tuyến kênh mương sát đê nội đồng. Ở những nơi được xác định là điểm yếu (nơi chuột hay đi qua) thì “đê” được gia cố dưới chân thêm lớp tôn cao 0,5m để ngăn chuột cắn phá nilon.

Trên những tuyến đi chính ra đồng cũng được tạm ngăn đi lại. Mặt đê được đào hào dấu để ngăn chuột xâm nhập. Trong lòng hào dựng “đê nilon” chắc chắn. Tuyến "đê ngăn chuột" còn băng qua các tuyến kênh mương và phần chìm dưới nước sâu khoảng 0,4m để ngăn chuột lặn qua. “Tất cả các con đường xâm nhập vào ruộng đều đã được ngăn chặn. Chúng tôi kiểm tra hàng ngày để tu bổ hàng rào và ngăn chặn hiệu quả chuột vào ruộng”, anh Đàn cho hay.

Nơi điểm yếu bố trí lỗ thoát đặt bẫy để chuột chui vào rọ sắt.

Nơi điểm yếu bố trí lỗ thoát đặt bẫy để chuột chui vào rọ sắt.

Cũng đi kiểm tra thực tế hệ thống hàng rào chống chuột, ông Nguyễn Duy Viên, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Thống Nhất, cũng là người có kinh nghiệm trong ngăn chặn chuột di cư phá lúa cho chúng tôi hay, các tuyến đường đi của chuột đều được ngăn chặn. Tại các điểm đó, hệ thống hàng rào để một lỗ trống buộc chuột đi vào. “Sau lỗ trống, chúng tôi đặt một bẫy sắt lớn để hứng chuột. Khi vào bẫy sắt thì chuột không ra được mà chỉ chạy quanh trong đó và càng có nhiều chuột chui vào”, ông Viên chia sẻ cách làm.

Người dân đi kiểm tra bẫy rọ sắt đặt những nơi xung yếu.

Người dân đi kiểm tra bẫy rọ sắt đặt những nơi xung yếu.

Mỗi rạng sáng, bà con tranh thủ ra đồng để xem bẫy chuột. Có những bẫy chuột vào đến 5 - 6 chục con. HTX thu mua 1 ngàn đồng/đuôi chuột nên bà con tranh thủ đi sớm “thu hoạch” chuột, vừa bảo vệ lúa, vừa có tiền. “Kinh phí này bên HTX chủ động bỏ ra. Sau này một phần sẽ được bà con hỗ trợ”, ông Viên cho biết.

Bà Bùi Thị Thiết (HTX Thống Nhất) những ngày này thường xuyên ra thăm đồng. Thường bà hay vác theo cuốc để đào đắp, gia cố thêm hệ thống hàng rào ngăn chuột. Bà bảo, nhà có 5ha ruộng nên vốn liếng cũng dồn hết vào đó. Nếu không làm được hệ thống “đê” bao giữ lúa thì đừng nói đến chuyện thu hoạch.

Mỗi ngày có hơn ngàn chuột đã được bắt, diệt không cho xâm nhập vào ruộng lúa.

Mỗi ngày có hơn ngàn chuột đã được bắt, diệt không cho xâm nhập vào ruộng lúa.

“Những năm gần đây, HTX phát động làm hệ thống “đê” chống chuột là bà con mừng lắm. Nó rất hiệu quả và vụ mùa đều bội thu. Trước đây, có năm sau một đêm là chuột đã “thu hoạch trộm" hết cả 5 sào ruộng. Bây giờ thì khá an tâm rồi. Năm nay, lúa năng suất bình quân chắc cũng được 56 - 57 tạ/ha”, bà Thiết bộc bạch.

Cánh đồng lúa HTX Thống Nhất còn khoảng 10 ngày nữa sẽ gặt, hứa hẹn vụ mùa chắc ăn.

Cánh đồng lúa HTX Thống Nhất còn khoảng 10 ngày nữa sẽ gặt, hứa hẹn vụ mùa chắc ăn.

Vói về hiệu quả việc dựng “đê” ngăn chuột, ông Nguyễn Duy Viên, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Thống Nhất cho hay: “Mỗi ha lúa, nếu đạt năng suất, bà con có thu nhập thấp nhất là 33 triệu đồng. Vậy chi phí đầu tư mua nilon dựng hàng rào ngăn chuột cho toàn bộ diện tích lúa của HTX chỉ vào khoảng 5ha lúa. Đổi lại, HTX có 215ha lúa chắc ăn. Đó cũng là điều mùa bà con đồng lòng nhất trí vào cuộc”.

Tâm Phùng
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn